Ảnh minh họa
|
Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 268.084; trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 109.146 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 157.853 biên chế; các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế.
Biên chế công chức dự phòng là 1.000.
Quyết định cũng phê duyệt, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.
Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức quy định ở trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.