I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
1. Thuê kiểm tra nghiệm thu công trình XD Nhà nước không quá 20% chi phí tư vấn giám sát
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 04/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo vệ công trình xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2019.
Theo quy định mới sửa đổi, chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác và được dự tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
Đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước, chi phí thuê tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng không vượt quá 20% chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.
Thông tư cũng bổ sung quy định mới với trường hợp hạng mục công trình, công trình xây dựng có nhiều nhà thầu chính tham gia thi công, chủ đầu tư có thể tổ chức nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng với từng nhà thầu chính thi công xây dựng.
2. Nhiệm vụ của bác sỹ gia đình
Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình, có hiệu lực 15/10/2019, theo đó nhiệm vụ của bác sỹ gia đình thực hiện các nhiệm vụ dưới đây theo phân công của người phụ trách chuyên môn của cơ sở y học gia đình:
- Quản lý sức khỏe cộng đồng:
- Tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh:
- Thực hiện các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; các chương trình mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, dân số - kế hoạch hóa gia đình, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại.
- Khám bệnh, chữa bệnh:
- Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về y học gia đình; là cơ sở thực hành trong đào tạo chuyên ngành y học gia đình theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quy định.
3. Năm 2020 Quảng Nam được 3.195 biên chế
Nội dung trên được quy định tại Quyết định 1066/QĐ-TTg ngày 22/8/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.
Quyết định 1066 cũng nêu rõ tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.
4. Năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai đón 5 triệu hành khách
Ngày 19/8/2019, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 1526/QĐ-BGTVT Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 với các nội dung như sau:
+ Mục tiêu quy hoạch giai đoạn đến năm 2030
- Cấp sân bay: 4F và sân bay quân sự cấp I.
- Công suất: 5.000.000 hành khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Loại máy bay khai thác: Tàu bay code F và tương đương trở xuống.
- Số vị trí đỗ: 16 vị trí tàu bay code C, D, E, F, dự trữ đất mở rộng khi có nhu cầu.
- Phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.
+ Điều chỉnh phân kỳ đầu tư một số hạng mục công trình như sau:
- Giai đoạn đến năm 2030: Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phía Tây của Cảng gồm: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác... đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác 05 triệu hành khách/năm.
- Các công trình quy hoạch mở rộng về phía Đông sẽ được xem xét, đầu tư xây dựng khi có nhu cầu….
5. Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1048/QĐ-TTg Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.
Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần:
- Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.
- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng